Viêm gan B là một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm, gây ra cái chết cho rất nhiều người mỗi năm trên thế giới. Bệnh do virus viêm gan B (HBV) gây ra, nếu không sớm được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Viêm gan B là một loại bệnh lây truyền, cơ chế lây lan của nó giống với virus HIV. Vậy viêm gan b lây qua đường nào và cách phòng tránh nhiễm bệnh ra sao? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây để có biện pháp phòng ngừa bệnh!
Những con đường lây bệnh của viêm gan B
Viêm gan B do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể, virus có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng tùy thể trạng từng người. Sau đó bắt đầu hoạt động và gây Viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và nhiễm vi rút HBV suốt đời.
Một số nhà nghiên cứu đánh giá khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn HIV. HBV có thể tồn tại trong môi trường bên ngoài cơ thể ít nhất một tuần. Đây là khoảng thời gian tương đối dài, tạo điều kiện thuận lợi cho chủng vi sinh vật này xâm nhập vào cơ thể của một người và gây bệnh.
Nơi cư ngụ ưa thích của virus viêm gan B là dịch cơ thể, chủ yếu gồm:
- Máu
- Dịch âm đạo
- Tinh dịch
Ngoài ra, virus này còn có thể tồn tại trong một số loại dịch khác trong cơ thể như sữa mẹ, nước tiểu, nước bọt hay nước mắt. Tuy nhiên, khác với ba loại dịch cơ thể trên, virus viêm gan B hiếm khi hiện diện ở đây.
Sau đây là những con đường lây truyền Viêm gan B chủ yếu:
Lây từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai nếu bị viêm gan B có thể truyền bệnh sang con.
Tùy vào từng giai đoạn thai kỳ cụ thể mà tỷ lệ lây truyền sẽ khác nhau. Cụ thể:
- Nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ tỷ lệ lây truyền khoảng 1%.
- Nếu nhiễm bệnh ở 3 tháng giữa thai kỳ, tỷ lệ mắc bệnh ở thai nhi khoảng 10%.
- Nếu thai phụ nhiễm virus viêm gan B ở 3 tháng cuối thai kỳ nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên 70%.
- Đặc biệt, nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh nguy cơ lây nhiễm sang con lên đến 90%.
HBV còn có khả năng “đóng đô” trong tuyến sữa mẹ, dù hàm lượng rất ít. Do đó, trẻ chỉ có thể nhiễm virus từ mẹ qua đường bú nếu đầu vú của mẹ có vết thương hở và chảy máu.
Viêm gan B lây qua đường máu
Máu là một trong những “địa bàn cư trú” của phần lớn virus viêm gan siêu vi B. Vậy nên Virus viêm gan B có thể dễ dàng lây qua đường máu khi: Truyền máu, hiến máu, tiêm, xăm hình… nếu dụng cụ không được khử trùng đúng cách. Ngoài ra, việc sử dụng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người bị viêm gan B cũng có thể khiến bạn dễ dàng bị lây bệnh.
Lây qua quan hệ tình dục
Bên cạnh máu, virus viêm gan B lây qua tình dục cũng là con đường lây nhiễm phổ biến của căn bệnh này. Theo một số nghiên cứu thảo luận về câu hỏi viêm gan B lây qua đường gì, cơ hội cho HBV truyền qua đường tình dục cao hơn so với HIV gấp 50 – 100 lần.
Quan hệ tình dục với người bị viêm gan B mà không có biện pháp phòng tránh an toàn sẽ khiến bạn có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Virus viêm gan B có thể lây nhiễm thông qua tất cả các hành vi tình dục khác giới hoặc đồng giới.
Nhưng, kể cả khi bạn thực hiện quan hệ tình dục an toàn, tỷ lệ lây nhiễm HBV vẫn cao nếu bạn hoặc bạn tình không tiêm chủng đúng theo quy định y tế. Bạn cũng đừng quá phụ thuộc vào hiệu quả bảo vệ của vắc xin viêm gan B vì người đã tiêm phòng bệnh đầy đủ vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus qua đường tình dục.
Tuy nhiên, cũng linh động cho từng trường hợp cụ thể. Người mắc bệnh viêm gan B cần thận trọng và luôn phải sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ. Điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus cho đối phương.
Những đối tượng dễ mắc nhiễm viêm gan B
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh
- Những người tiêm chích ma túy hoặc dùng chung kim tiêm, ống tiêm và các loại dụng cụ/thiết bị dùng cho ma túy khác
- Người có quan hệ tình dục với bệnh nhân viêm gan B
- Người có quan hệ đồng giới nam
- Những người sống chung với người bị viêm gan B
- Người làm trong lĩnh vực y tế, nhân viên phòng thí nghiệm
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo
- Những người đã sinh sống hoặc đi du lịch thường xuyên đến các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao trên thế giới
- Người bị tiểu đường, người nhiễm virus viêm gan C hoặc HIV.
Tác hại của viêm gan B
Sau thời gian ủ bệnh, Virus Viêm gan B bắt đầu hoạt động, bám vào bề mặt tế bào gan, dựa vào tế bào chất của tế bào gan để sao chép mã di truyền, mọc chồi từ tế bào gan và sinh ra nhiều tế bào mới. Toàn bộ quá trình này làm rối loạn hoạt động của của tế bào gan, tăng nguy cơ biến chứng.
Tác hại cụ thể của bệnh viêm gan B, bao gồm:
Gây suy giảm chức năng gan
- Hoạt động của tế bào gan bị phá hủy từ trong tế bào, dần dần tế bào gan sẽ bị phá hủy, dẫn đến tổn thương gan. Khi này, các chức năng của gan như lọc máu, thải độc, chuyển hóa chất, tổng hợp chất… đều bị suy giảm.
Gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ
- Hoạt động phân giải Triglyceride ở gan bị suy giảm, khiến cho chất béo không được chuyển hóa mà tích tụ lại gây gan nhiễm mỡ.
Biến chứng xơ gan
- Viêm gan B nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan trong vòng 20 năm hoặc có thể sớm hơn.
Biến chứng ung thư gan
- Virus Viêm gan B làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào gan ác tính trong suốt thời gian diễn biến Viêm gan cho đến Xơ gan. Biến chứng ung thư thường xảy ra trong vòng 10 năm sau khi bị xơ gan.
Cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan B
Hiện nay, tiêm vắc xin viêm gan B là phương pháp phòng ngừa chủ yếu đối với căn bệnh này. Các chuyên gia từ tổ chức WHO khuyến khích mọi người nên tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như người thân trong gia đình. Đặc biệt, những người sinh sống ở các quốc gia dễ lây nhiễm HBV, Việt Nam càng cần tiêm ngừa loại vắc xin này.
Chủ động
- Tiêm vắc xin viêm gan virus B cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Tiêm vắc xin viêm gan B cho các đối tượng chưa bị nhiễm HBV. Cần xét nghiệm HBsAg và anti-HBs trước khi tiêm phòng vắc xin. Để có được miễn dịch có hiệu quả tốt, cần tiêm 3 mũi (mũi thứ 2 sau tiêm mũi đầu 1 tháng, mũi thứ 3 sau 6 tháng)
- Tiêm vắc xin viêm gan virus B cho nhân viên y tế.
Phòng lây truyền từ mẹ sang con
- Nếu mẹ mang thai có HBsAg (+): Tiêm vắc xin viêm gan virus B liều sau sinh cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và phối hợp với tiêm kháng thể kháng HBV cho trẻ. Nên tiêm cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vắc xin viêm gan virus B cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Nếu mẹ mang thai có HBV-DNA > 106 copies/ml (200.000 IU/mL): Dùng thuốc kháng virus (lamivudine hoặc tenofovir) từ 3 tháng cuối của thai kỳ. Xét nghiệm lại HBV DNA sau sinh 3 tháng để quyết định ngừng thuốc hoặc tiếp tục điều trị nếu mẹ đủ tiêu chuẩn điều trị. Theo dõi sát người mẹ để phát hiện viêm gan bùng phát.
Phòng không đặc hiệu
- Sàng lọc máu và chế phẩm máu.
- Không dùng chung kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da khác.
- Tình dục an toàn.
- Tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của bệnh nhân nhiễm HBV.
- Thực hiện phòng ngừa chuẩn giống các bệnh lây truyền qua đường máu.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như: bàn chải đánh răng, kìm bấm móng, dao cạo râu…
- Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách phòng tránh viêm gan B để tránh bị lây nhiễm.
Theo kết quả từ nhiều cuộc nghiên cứu, vắc xin viêm gan B với công dụng thúc đẩy cơ thể sản sinh kháng thể có khả năng bảo vệ hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên nếu đã tiêm phòng đầy đủ. Thêm vào đó, hiệu quả này còn có thể kéo dài đến hơn 20 năm. Mặt khác, lớp “phòng ngự” này còn có khả năng vĩnh viễn nếu hàm lượng kháng thể kháng virus sản sinh sau chích ngừa lớn hơn 1.000 IU/l.
Viêm gan B là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao. Nếu nghi ngờ mình tiếp xúc với virus này cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, xét nghiệm và tư vấn cách điều trị kịp thời.
Hy vọng bài viết này cho bạn một cái nhìn tổng quan hơn về bệnh viêm gan và biết rõ viêm gan B lây qua đường nào. Và từ đó bạn cũng sẽ chú ý hơn đến việc chủ động có biện pháp phòng tránh hữu hiệu, phù hợp.
Leave a reply