Bệnh viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Virus viêm gan B có thể tồn tại trong máu và các chất dịch khác của người bệnh gây ra tình trạng viêm gan B mãn tính. Khi đó, người bệnh buộc phải chấp nhận sống chung với virus viêm gan B suốt đời.
Viêm gan B là bệnh gì?
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do vi rút tấn công gan và có thể gây viêm gan cấp tính và mãn tính. Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn nhiễm virus nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch khác của cơ thể người bị nhiễm bệnh.
Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 2 tỷ người đã nhiễm bệnh với khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mãn tính, với 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.
Viêm gan B được phân thành hai loại bao gồm:
Bệnh viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn, kéo dài trong vòng 6 tháng kể từ khi người bệnh tiếp xúc với HBV. Đa phần người bị viêm gan B cấp tính không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ, nhưng cũng có trường hợp tình trạng trở nên nghiêm trọng khiến người bệnh phải nhập viện để điều trị.
Nhiều người mắc viêm gan B cấp, đặc biệt là những người bị nhiễm bệnh ở độ tuổi trưởng thành, có thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể nhờ hoạt động của hệ miễn dịch và bình phục hoàn toàn sau vài tháng mà không để lại bất cứ di chứng nào. Trên thực tế, có đến 90% người trưởng thành bị nhiễm HBV tự khỏi bệnh. Trường hợp ngược lại, nếu hệ miễn dịch không thể loại bỏ được virus, viêm gan B cấp sẽ tiến triển sang dạng mãn tính.
Viêm gan B mãn tính
Viêm gan B mãn tính là tình trạng nhiễm trùng gan kéo dài từ 6 tháng trở lên. Virus HBV không bị loại bỏ và tiếp tục tồn tại một cách âm thầm trong máu và gan của người bệnh. Theo thời gian, viêm gan mãn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương viêm gan, suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.
Các bác sĩ cho biết, khả năng viêm gan B tiến triển thành mãn tính phụ thuộc vào độ tuổi của người nhiễm bệnh. Người nhiễm có độ tuổi càng trẻ thì khả năng viêm gan phát triển thành mãn tính càng cao. Cụ thể, theo WHO, có đến 80–90% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh trong năm đầu đời và 30–50% trẻ em bị nhiễm bệnh trước 6 tuổi phát triển thành nhiễm trùng gan mãn tính. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người trưởng thành mắc bệnh thấp hơn rất nhiều (dưới 5%).
Nguyên nhân gây viêm gam B
Viêm gan B do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Virus này có hình cầu, vỏ bao quanh nó có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg.
Loại virus này có thể sống được 30 phút ở nhiệt độ 100 độ C; ở nhiệt độ -20 độ C có thể sống 20 năm.
Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm bệnh nếu xâm nhập vào cơ thể của người chưa tiêm vắc-xin. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể dao động từ 30 đến 180 ngày.
Con đường lây nhiễm viêm gan B
Lây truyền qua đường máu
Virus viêm gan B dễ dàng lây lan qua đường máu theo các hình thức phổ biến sau:
- Dùng chung bơm kim tiêm, đặc biệt là tiêm chích ma túy
- Nhận truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus; tái sử dụng hoặc sử dụng các dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách
- Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng (nail) hoặc thực hiện các thủ thuật y tế, thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh, có chứa virus gây bệnh
- Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người bị nhiễm bệnh.
Lây nhiễm từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV có thể truyền virus sang con. Tỷ lệ lây nhiễm phụ thuộc vào thời điểm người mẹ bị nhiễm bệnh. Cụ thể, nếu mẹ bầu mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm virus sang con là 1%. Tỷ lệ này là 10% nếu mẹ nhiễm virus trong 3 tháng giữa thai kỳ và trên 60% nếu mẹ bị mắc bệnh trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ lây truyền cho thai nhi có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh.
Lây truyền qua đường tình dục
Viêm gan B có thể lây truyền khi quan hệ tình dục khác giới hoặc đồng giới do tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người bệnh.
Viêm gan B không lây lan qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm… Bệnh cũng không lây lan khi ho, hắt hơi, dùng chung dụng cụ ăn uống, chơi đùa hoặc ăn thực phẩm được nấu bởi người mang virus viêm gan B.
Triệu chứng của bệnh viêm gan B
Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết. Tuy nhiên, kể cả khi không có triệu chứng bệnh gì thì virus viêm gan B vẫn có thể gây tổn hại nặng nề đến gan sau một thời gian phát triển âm ỉ.
Bệnh bao gồm những triệu chứng sau:
- Cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
- Đau nhức xương khớp.
- Thường xuyên buồn nôn, ói mửa.
- Nước tiểu có màu vàng sẫm.
- Đau bụng.
- Phân màu xanh xám, sẫm màu.
- Thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.
- Vàng da, vàng mắt.
- Có hiện tượng xuất huyết dưới da.
- Đau hạ sườn phải.
- Sưng bụng, chướng bụng.
Những biến chứng của bệnh
Viêm gan B khi bước vào giai đoạn mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Xơ gan: Viêm gan B kéo dài có thể hình thành các mô sẹo ở gan, gây xơ gan và làm suy giảm khả năng hoạt động của gan.
- Ung thư gan: Những người bị nhiễm viêm gan B mãn tính có nguy cơ ung thư gan cao hơn những người không mắc bệnh.
- Suy gan: Viêm gan siêu vi B là một trong những nguyên nhân của tình trạng suy gan cấp tính, tức các tế bào gan bị tổn thương một cách ồ ạt và làm tăng đáng kế nguy cơ tử vong. Người bị suy gan cấp tính có thể phải cần ghép gan để điều trị.
- Các vấn đề sức khỏe khác. Những người bị viêm gan B mãn tính có thể phát triển bệnh thận hoặc viêm mạch máu.
Xét nghiệm chuẩn đoán viêm gan B
Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng thì khó có thể xác định người bệnh có mắc viêm gan B hay không. Các xét nghiệm dưới đây là những chỉ điểm quan trọng giúp chẩn đoán chính xác căn bệnh nguy hiểm này:
- Xét nghiệm HBsAg: HBsAg chính là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Nếu kết quả là HBsAg (+) nghĩa là cơ thể đang bị nhiễm virus viêm gan B.
- Xét nghiệm Anti-HBs: Đây là xét nghiệm kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus viêm gan B. Nếu một người đã được tiêm ngừa vắc xin viêm gan B hoặc đã bị nhiễm virus viêm gan B và khỏi bệnh, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus và xét nghiệm anti-HBs sẽ cho kết quả dương tính . Nồng độ Anti-HBs >10mUI/ml được xem là có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B.
Trên đây là 2 loại xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán viêm gan B và đánh giá khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus này. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác gồm xét nghiệm men gan AST, ALT, xét nghiệm HBeAg, Anti-HBe, Anti-HBc,… để đánh giá chức năng gan, lượng virus, khả năng nhân lên của virus.., từ đó đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Điều trị bệnh viêm gan B
Viêm gan B cấp tính
- Viêm gan B cấp tính không cần sử dụng thuốc để điều trị, bệnh nhân chỉ cần theo dõi và thăm khám thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết.
- Hạn chế chất béo, giảm muối, kiêng rượu bia và tránh các thuốc chuyển hóa qua gan
- Uống nhiều nước để tăng cường quá trình trao đổi, thải lọc các chất độc hại.
- Khi khỏi bệnh viêm gan B cấp tính người bệnh vẫn cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ để bảo vệ gan
Viêm gan B mạn tính
Thuốc ức chế sao chép virus viêm gan B (dùng đường uống): Điều trị bằng thuốc kháng virus là quá trình điều trị lâu dài, người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng thuốc viêm gan B để tránh tạo ra các chủng virus đề kháng thuốc.
- Tenofovir (TDF) 300mg/ngày hoặc Entecavir (ETV) 0,5mg/ngày
- Lamivudine (LAM) 100mg/ngày sử dụng cho người bệnh xơ gan mất bù hoặc phụ nữa mang thai.
- Adefovir (ADV) được dùng phối hợp với lamivudine khi có tình trạng kháng thuốc
Thuốc tiêm interferon: Thuốc có tác dụng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt virus và các tế bào bị virus xâm nhập. Hiện nay có 2 loại thuốc tiêm sau:
- Interferon alpha tiêm dưới da 3-5 lần/tuần
- Peg-interferon alpha tiêm dưới da 1 lần/tuần
Liệu trình điều trị kéo dài từ 6-12 tháng. Người bệnh cần theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ của thuốc để xử trí kịp thời. Thuốc tiêm interferon được ưu tiên sử dụng trong trường hợp phụ nữ muốn sinh con, nhiễm đồng thời virus viêm gan D, không dung nạp hoặc thất bại điều trị với thuốc ức chế sao chép virus đường uống.
Viêm gan B mạn tính ở trẻ em
- ETV cho trẻ ≥ 2 tuổi và ≥10kg với liều thay đổi theo cân nặng
Trong trường hợp kháng LAM thì tăng liều ETV lên gấp đôi
- Lamivudine dùng 1 lần/ngày
- ADV được sử dụng cho trẻ ≥12 tuổi
- TDF được sử dụng cho trẻ ≥12 tuổi và ≥ 35 kg
- Interferon alpha được sử dụng cho trẻ trên 12 tháng tuổi
Viêm gan ở phụ nữ mang thai
- Trường hợp phụ nữ đang mang thai phát hiện mắc viêm gan B mạn tính:
Nếu có thể trì hoãn điều trị thì trì hoãn kết hợp với theo dõi sát triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm.
Nếu phải điều trị: Dùng thuốc TDF
- Trường hợp phụ nữ đang điều trị viêm gan B mạn tính và muốn có thai: Nếu đang dùng thuốc ETV thì ngừng thuốc ETV trước khi có thai 2 tháng và chuyển sang dùng thuốc TDF.
- Trường hợp phụ nữ đang điều trị viêm gan B mạn tính thì mang thai: Dùng thuốc TDF trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể dùng thuốc TDF hoặc LAM.
Nhiễm đồng thời virus viêm gan B và viêm gan C
Điều trị theo phác đồ chuẩn của viêm gan C.
Phòng ngừa bệnh viêm gan B
- Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin ngừa viêm gan B. Tiêm vắc xin cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh và các mũi tiếp theo khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Người chưa bị nhiễm HBV cần làm xét nghiệm HBsAg và anti-HBs trước khi tiêm phòng.
- Không dùng chung bơm kim tiêm hay các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Băng ngay các vết xước, vết thương hở, tránh tiếp xúc với máu và dịch tiết của bệnh nhân nhiễm HBV.
- Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, nâng cao thể lực.
- Ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Kiêng rượu, bia, thuốc lá.
Leave a reply