Ung thư tế bào gan đứng hàng thứ ba trong các nguyên nhân tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới và cũng rất bệnh phổ biến ở nước ta. Vậy có cách nào để điều trị ung thư gan này?

Ghi nhận tại bệnh viện ung bướu Hà Nội cho thấy ung thư tế bào gan đứng hàng thứ 3 sau ung thư dạ dày, phế quản. Hay gặp ở nam giới độ tuổi 50-60. Tỷ lệ mắc bệnh theo tuổi ở nam 19,7/100.000 ở nữ 8,3/100.000.

Ung thư gan xảy ra khi các tế bào gan có sự thay đổi (đột biến) trong DNA. DNA của tế bào đảm nhận vai trò hướng dẫn cho mọi quá trình hóa học trong tế bào cơ thể. Đột biến DNA gây ra những thay đổi trong quá trình hướng dẫn này. Kết quả là các tế bào bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát, cuối cùng hình thành nên khối u – một khối tế bào ung thư.

Trường hợp khác, khối u ác tính ở gan phát triển từ một bệnh lý, chẳng hạn như viêm gan mạn tính. Trong một số trường hợp, bệnh xảy ra ở những người không có bệnh lý, khiến các bác sĩ cũng không thể xác định nguyên nhân gây bệnh.

Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư tế bào gan:

  • Nhiễm viêm gan B, viêm gan C
  • Xơ gan
  • Bệnh đái tháo đường
  • Uống rượu quá nhiều
  • Một số bệnh di truyền: Bệnh ứ sắt (Hemochromatosis) và bệnh Wilson (bệnh rối loạn chuyển hóa đồng).
  • Tiếp xúc với các chất độc gây hoại tử tế bào gan (nấm mốc Aflatoxin từ ngũ cốc bị mốc và các chất độc như dioxin, tetraclorua cacbon, nitrosamine,…).

Tỷ lệ sống trung bình của bệnh nhân ung thư gan trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán là khoảng 9%. Nếu phát hiện và điều trị bệnh trong giai đoạn đầu, có khoảng 19% bệnh nhân có khả năng sống trên 5 năm. Tiên lượng sống trên 5 năm cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn 2 giảm xuống còn khoảng 6,5%. Đến giai đoạn cuối, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư gan chỉ còn khoảng 3,5%.

Những biến chứng của bệnh

Bệnh ung thư gan rất nguy hiểm, nó có thể dẫn đến một số biến chứng. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng khối u gây tắc ống mật, tổn thương tế bào gan, làm rối loạn chức năng gan dẫn đến tích tụ chất độc trong cơ thể và nhiều biến chứng khác.

Gây thiếu máu

Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) là một biến chứng rất phổ biến khi gan bị ung thư. Nguyên nhân dẫn tới biến chứng này là do thiếu các yếu tố đông máu dẫn đến chảy máu. Tình trạng thiếu máu kéo dài có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở, nhịp tim nhanh, da xanh xao và choáng váng.

Làm tắc nghẽn ống dẫn mật

Mật được tạo ra trong gan. Các ống dẫn là “con đường” vận chuyển mật về túi mật và đến ruột non. Các khối u gan hoặc khối u ống mật có thể phát triển trong ống dẫn hoặc gần đó, dẫn đến tắc nghẽn ống mật. Khi ống dẫn bị tắc nghẽn sẽ gây nên những cơn đau ở vùng bụng trên bên phải, buồn nôn, nôn, vàng da và ngứa.

Chảy máu

Gan chịu trách nhiệm tạo ra các protein (yếu tố đông máu) giúp máu đông. Khi một phần lớn lá gan đã bị tế bào ung thư làm tổn hại, các protein đông máu không còn được sản xuất với số lượng đủ. Hệ quả là tình trạng xuất huyết có thể xảy ra (ngay cả với số lượng tiểu cầu bình thường) dẫn tới thiếu máu. Dấu hiệu đầu tiên của biến chứng này thường là chảy máu khi đánh răng hoặc chảy máu cam thường xuyên. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh có nguy cơ xuất huyết nội tạng.

Giãn tĩnh mạch thực quản

Một khối u trong gan là nguyên nhân khiến máu khó lưu thông qua các tĩnh mạch nhỏ ở thực quản về tĩnh mạch lớn, dần dần gây ra giãn tĩnh mạch. Khi những tĩnh mạch nhỏ bị vỡ dẫn đến chảy máu trong thực quản, gọi là xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị nhanh chóng. Tương tự, biến chứng này cũng có khả năng xảy ra ở dạ dày và ruột.

Hội chứng gan thận

Đây là tình trạng bệnh gan biến chứng sang thận do những thay đổi trong mạch máu khiến lượng máu đến thận giảm sút. Hội chứng gan thận rất phổ biến với bệnh nhân bị ung thư gan cũng như các bệnh lý gan khác. Chuyên gia ước tính, 40% những người bị xơ gan sẽ phát triển hội chứng này trong vòng 5 năm. Thật không may, những ai bị hội chứng gan thận thường không thể phục hồi trừ khi thực hiện ghép gan.

Bệnh não gan

Độc tố mà gan không thể loại bỏ sẽ di chuyển đến não gây mất trí nhớ, mất phương hướng, thay đổi tính cách và lú lẫn. Có nhiều cách để điều trị bệnh não gan, và tiên lượng phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của khối u gan.

Sử dụng quá nhiều rượu bia là nguyên nhân gây ra bệnh

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Bệnh sử

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi về bệnh sử y tế để loại trừ bất kỳ yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.

Lâm sàng

Khám tổng thể, chú ý tình trạng gan. Sau đó, họ sẽ làm một bài kiểm tra thể chất, tập trung vào bụng và bất kỳ màu vàng nào trong lòng trắng mắt. Đây là cả hai chỉ số đáng tin cậy của các vấn đề về gan.

Cận lâm sàng

Các chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm:

  • Huyết đồ, chức năng đông máu toàn bộ.
  • Chức năng gan thận: ALT, AST, Billirubin, Albumin, BUN, Creatinin/máu.
  • Các xét nghiệm viêm gan: AntiHBsAg, HbeAg, HBeAb, HBsAg, HCV-RNA, HBV-DNA, AntiHCV.
  • AFP
  • X quang phổi.
  • Siêu âm Doppler mạch máu gan.
  • Thực hiện CT scan bụng có cản quang (MRI bụng có cản từ nếu cần).

Chẩn đoán xác định

Cần một trong ba tiêu chuẩn sau:

  • Có các bằng chứng chứng tỏ giải phẫu bệnh lý là ung thư tế bào gan nguyên phát.
  • Hình ảnh điển hình trên CT scan bụng có cản quang hoặc cộng hưởng từ có cản từ +AFP >400ng/ml.
  • Hình ảnh điển hình trên CT scan bụng có cản quang hoặc cộng hưởng từ có cản từ +AFP tăng cao hơn bình thường (400ng/ml) + nhiễm virus viêm gan B hoặc C. Có thể cần sinh thiết gan nếu bác sĩ lâm sàng thấy cần thiết.

Các trường hợp không đủ tiêu chuẩn trên đều cần làm sinh thiết gan để chẩn đoán xác định.

Chẩn đoán phân biệt

  • U máu gan (hemangioma): Khối u tăng quang dần từ thì động mạch đến thì muộn, không có hiện tượng thoát thuốc, AFP bình thường.
  • Ung thư đường mật trong gan: Tăng quang không đều, không có hiện tượng thoát thuốc, dấu ấn ung thư CA 19.9 tăng cao.
  • Di căn gan của các ung thư khác: Có hình ảnh tăng quang viền, các dấu ấn ung thư tương ứng tăng cao, kèm tổn thương nguyên phát.

Các giai đoạn bệnh

  • Giai đoạn rất sớm: Một số tế bào ung thư bắt đầu dần hình thành khối u trong giai đoạn này. Có một khối u nhỏ hơn 2cm, PS: 0, Child: A.
  • Giai đoạn sớm: Các khối u còn lại trong gan và chưa lan sang một cơ quan hoặc địa điểm. Có một khối u nhỏ hơn 5cm hoặc ít hơn 3 khối u, mỗi u nhỏ hơn hoặc bằng 3cm, PS: 0, Child: A-B
  • Giai đoạn trung gian: Có một số khối u nhỏ tồn tại trong gan hoặc một khối u đã đến mạch máu. U lớn và nhiều u, PS: 0, Child: A-B
  • Giai đoạn tiến triển: Có nhiều khối u lớn hoặc một khối u đã đạt đến một mạch máu lớn, chính. U mọi kích thước huyết khối TM cửa hoặc di căn ngoài gan. PS: 1-2, Child: A-B
  • Giai đoạn cuối: Ung thư đã di căn, có nghĩa là nó đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. U có thể bất kỳ, PS: 3-4, Child: C

Một khi bác sĩ đã chẩn đoán và xác định giai đoạn ung thư, bệnh nhân sẽ bắt đầu được điều trị.

Phương pháp điều trị ung thư gan

Phẫu thuật

Gan là một cơ quan nội tạng đặc biệt, nó có cơ chế tự bảo vệ và tái tạo lại tế bào gan khỏe mạnh, thay thế cho tế bào gan chết. Vì thế, phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc một phần gan, ghép vào một phần gan khỏe mạnh được sử dụng trong điều trị ung thư gan, đem lại hiệu quả tốt nhất là các trường hợp phát hiện bệnh sớm.

Các phẫu thuật được dùng trong điều trị ung thư gan bao gồm:

Phẫu thuật cắt bỏ khối u

  • Khi khối u ung thư gan còn ở giai đoạn phát triển, kích thước nhỏ và giới hạn trong gan, có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ngoài ra, bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng phương pháp này phải đảm bảo có chức năng gan tốt, có khả năng hoạt động nếu cắt bỏ một phần gan bao gồm cả khối u và một phần nhu mô gan khỏe mạnh xung quanh.
  • Sau phẫu thuật, bằng chăm sóc và điều trị khác, tế bào gan khỏe mạnh sẽ được tái tạo bù lại, đảm bảo chức năng gan bình thường cho người bệnh.

Phẫu thuật ghép gan

  • Bác sĩ cũng cần cắt bỏ phần gan bị ung thư, nhưng sẽ thay thế vào đó phần gan khỏe mạnh là nguồn hiến tạng phù hợp. Kỹ thuật này phù hợp với bệnh nhân ung thư gan có kích thước khối u lớn, phải cắt bỏ phần lớn hoặc hoàn toàn gan. Do chức năng gan không thể đảm bảo nên phải ghép gan bù lại thay vì đợi tế bào gan tự tái tạo.

Phẫu thuật ghép gan còn hạn chế do nguồn hiến tạng phù hợp khan hiếm, ngoài ra bệnh nhân phải đáp ứng nhiều điều kiện của kỹ thuật ghép gan.

Điều trị tại chỗ

Phương pháp điều trị tại chỗ là phương pháp có thể tác động trực tiếp vào tế bào ung thư hoặc khu vực quanh khối u ung thư. Từ đó có thể tiêu diệt phần lớn hoặc hoàn toàn ung thư gan, bao gồm các phương pháp như:

Ướp lạnh

  • Kỹ thuật này nhờ vào khả năng làm lạnh và phá hủy của nito lỏng, bác sĩ sẽ đưa nguồn chất này trực tiếp vào khối u gan. Các tế bào ung thư và khối u tại vùng chịu ảnh hưởng sẽ bị tiêu diệt.

Đốt

  • Phương pháp này sử dụng dòng điện để đốt nóng, tiêu diệt tế bào ung thư, việc sử dụng tia laser hoặc sóng điện từ cũng có tác dụng tương tự. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng kết hợp để định hướng đưa kim vào đốt nóng khối u ung thư gan.

Tiêm cồn tuyệt đối

  • Cồn tuyệt đối được tiêm trực tiếp vào khối u ung thư gan nhờ nội soi hoặc thực hiện kỹ thuật mổ hở. Khi tiếp xúc, tác động của cồn sẽ khiến tế bào ung thư bị tiêu diệt.

Tiêm thuốc hóa trị

  • Hóa trị thông thường có thể không đạt hiệu quả điều trị cao do không tác động trực tiếp và hoàn toàn đến khối u ung thư. Nhưng khi tiêm trực tiếp vào khối u hoặc khu vực gan bị ung thư, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Hóa trị trực tiếp này có thể điều trị ung thư gan nguyên phát hoặc thứ phát.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các nguồn tia sáng năng lượng cao, ví dụ như tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Đa phần xạ trị được sử dụng trước phẫu thuật hoặc kỹ thuật điều trị khác khi kích thước khối u quá lớn.

Với ung thư gan di căn, xạ trị cũng được dùng để hạn chế sự di căn cũng như kiểm soát triệu chứng bệnh, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư gan tốc độ cao, song cũng tiêu diệt nhiều tế bào khỏe mạnh và gây nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên phương pháp điều trị này đạt hiệu quả cao, nhất với các trường hợp ung thư gan tiến triển, đã xâm lấn và di căn xa.

Điều trị bằng thuốc

Y học đã tìm ra nhiều loại thuốc chữa ung thư gan có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, thường dùng như phương pháp hỗ trợ điều trị. Các thuốc chống ung thư hiện được sử dụng như: Mitomycin, doxorubicin, cisplatin,… Không phải tất cả bệnh nhân có thể điều trị ung thư bằng thuốc, chỉ trường hợp tế bào ung thư bị đột biến ở gen nhất định.

Thuốc Sorafenat được dùng trong điều trị ung thư gan

Liệu pháp miễn dịch

Hệ miễn dịch của cơ thể là hàng rào bảo vệ cơ thể, tiêu diệt các tác nhân gây hại đến các cơ quan và sức khỏe. Với bệnh ung thư gan cũng vậy, khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, khả năng chống lại ung thư cũng tốt hơn. Liệu pháp miễn dịch dựa trên cơ chế đó, sẽ can thiệp vào protein để cơ thể nhận ra tế bào ung thư là tác nhân gây bệnh và tiêu diệt chúng.

Liệu pháp miễn dịch thường được dùng trong điều trị ung thư gan tiến triển.

Chăm sóc sau điều trị

Bệnh nhân ung thư gan, kể cả trong quá trình điều trị sẽ không tránh khỏi đau đớn, mệt mỏi và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Các phương pháp điều trị tiêu diệt tế bào ung thư cũng gây ra không ít tác dụng phụ. Do đó, ngoài điều trị chính, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp thay thế nhằm giảm đau, hạn chế tác dụng phụ của phương pháp điều trị, giúp bệnh nhân có thể chống chọi bệnh tốt hơn.

Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ thường áp dụng gồm:

  • Bấm huyệt
  • Châm cứu
  • Massage
  • Thôi miên
  • Bài tập thư giãn.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư gan. Bệnh nhân hoặc người thân cần có một số lưu ý như sau:

  • Ăn thực phẩm tươi, tránh xa thực phẩm chế biến sẵn: Gan chịu trách nhiệm giải độc, thực phẩm chế biến sẵn lại chứa nhiều phụ gia và hóa chất. Thế nên, người bệnh nên tránh các loại thực phẩm này. Chưa hết, thực phẩm đã qua chế biến kỹ, chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích, giăm bông… cũng cần được loại khỏi thực đơn của bệnh nhân.
  • Tăng cường dùng gừng: Những người đang điều trị ung thư gan thường có cảm giác buồn nôn. Lúc này, gừng là gia vị giúp hóa giải cơn buồn nôn hiệu quả. Bạn có thể uống trà gừng, hỗn hợp gừng – mật ong hoặc thêm gừng làm phụ gia khi chế biến món ăn. Ngoài gừng, một số thực phẩm như bánh mì, bánh quy, trái cây, các loại hạt… cũng làm giảm cơn buồn nôn nhanh chóng.
  • Chia nhỏ bữa ăn: Người bệnh nên ăn 6 – 8 bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn/ngày. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp lượng thức ăn nạp vào cơ thể mỗi bữa ít hơn, giúp cơ thể dễ hấp thụ hơn.
  • Khẩu phần ăn dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng.
  • Lưu ý cách chế biến thực phẩm: Sẽ tốt cho sức khỏe hơn nhiều nếu bạn luộc hoặc hấp thức ăn thay vì nướng, chiên rán ở nhiệt độ cao.
  • Hạn chế rượu bia: Lá gan của bạn đã chịu không ít thương tổn. Chắc chắn, bạn không muốn làm nó tổn thương thêm nữa. Muốn vậy, hãy tránh xa rượu bia – tác nhân hàng đầu gây tổn thương lá gan của bạn.

Cách phòng ngừa bệnh ung thư gan

Tiêm vắc xin viêm gan B

Cả trẻ em và người lớn đều nên tiêm vắc xin viêm gan B để phòng bệnh. Trẻ sơ sinh được khuyến cáo nên tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh. Nếu trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B thì phải tiêm thêm 1 mũi huyết thanh phòng viêm gan B. Sau đó, trẻ cần được tiêm nhắc thêm 3 mũi nữa (trong vòng 1 năm kể từ mũi đầu tiên) để đạt hiệu quả phòng ngừa tối ưu. Người lớn, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ nhiễm cao (chẳng hạn như những người lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch) cũng cần được chủng ngừa (tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng).

Thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh viêm gan C

Không có thuốc chủng ngừa viêm gan C, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách thực hiện những điều sau:

  • Có đời sống tình dục an toàn: Hãy bảo vệ bản thân và bạn tình bằng cách luôn sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ, không quan hệ cùng lúc với nhiều người, không quan hệ (dù có dùng bao cao su) với người đang hoặc nghi ngờ viêm gan hay bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào khác.
  • Không sử dụng ma túy, nhất là các loại ma túy thông qua đường tiêm như heroin hoặc cocaine.
  • Thận trọng khi xăm hoặc xỏ khuyên: Hãy đến nơi uy tín nếu bạn có ý định xỏ khuyên hoặc xăm hình. Điều này nhằm đảm bảo kim tiêm được sử dụng là vô trùng tuyệt đối.

Phòng ngừa xơ gan

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh xơ gan bằng cách:

  • Hạn chế uống rượu
  • Duy trì cân nặng hợp lý

Khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư

Việc khám sàng lọc, khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng nhằm phát hiện khối u ác tính ở giai đoạn sớm, có thể điều trị khỏi và giảm chi phí cho người bệnh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao: viêm gan B/C mạn tính, xơ gan…