Viêm gan tự miễn (AIH) là một loại bệnh lý khá hiếm gặp. Khi mắc phải căn bệnh này, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân sẽ tấn công tế bào gan. Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới với tỷ lệ mắc ngày càng tăng. Bệnh cần được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Viêm gan tự miễn là bệnh gì?

Hệ thống miễn dịch ở người bình thường được ví như đội quân hùng mạnh luôn chiến đấu bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh xâm nhập. Khi có một bất thường nào đó xảy ra, hệ miễn dịch tấn công ngược lại mô cơ khỏe mạnh. Khoa học gọi đó là một bệnh tự miễn.

Viêm gan tự miễn (AIH) là những tổn thương gan bị gây ra bởi chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào gan thay vì tấn công những virus vi khuẩn và các mầm bệnh khác xâm nhập vào cơ thể, gây ra viêm nhiễm có thể dẫn tới xơ gan và suy gan nếu không được chữa trị kịp thời. AIH là bệnh mạn tính, khá hiếm gặp, không lây nhiễm nhưng lại chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu.

Có 2 loại viêm gan tự miễn, đó là: 

  • Loại 1: Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi. Rất nhiều trường hợp mắc bệnh ở dạng này có kèm theo tình trạng rối loạn tự miễn khác, chẳng hạn như viêm tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp,…
  • Loại 2: Thường ít gặp hơn so với loại 1. Đối tượng mắc bệnh loại 2 thường là các bé gái trong độ tuổi từ 2 đến 14 tuổi.

Trong viêm gan tự miễn, hệ miễn dịch sẽ tạo ra một hoặc nhiều loại tự kháng thể. Phổ biến nhất là kháng thể kháng nhân (ANA), kháng thể kháng cơ trơn (SMA) và các kháng thể kháng tiểu thể gan và thận (LKM). Bệnh nhân AIH loại 1 có ANA, SMA, hoặc cả hai. Bệnh nhân viêm gan tự miễn loại 2 có anti LKM. Xét nghiệm máu giúp phân biệt viêm gan tự miễn do các bệnh virut viêm gan B, C hoặc một bệnh chuyển hóa như bệnh Wilson.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm gan tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể không tấn công virus, vi khuẩn và các mầm bệnh khác mà thay vào đó nhắm vào tế bào gan. Khi tấn công vào gan có thể dẫn đến viêm mãn tính và tổn thương nghiêm trọng đến các tế bào gan.

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể lại chống lại chính cơ thể, nhưng một số các nhà nghiên cứu cho rằng viêm gan tự miễn có thể được gây ra bởi sự tương tác của các gen kiểm soát chức năng hệ thống miễn dịch và việc tiếp xúc với các loại virus hoặc một số loại thuốc nhất định như:

  • Các loại thuốc như statin và hydralazine (được sử dụng để điều trị bệnh tim) hoặc thuốc kháng sinh như nitrofurantoin và minocycline.
  • Căng thẳng.
  • Nhiễm trùng như viêm gan virus, virus herpes, virus Epstein-Barr và virus sởi.

Những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan tự miễn bao gồm:

  • Là nữ. Mặc dù cả nam và nữ đều có thể bị AIH nhưng căn bệnh này phổ biến hơn ở nữ.
  • Tiền sử mắc nhiễm trùng. Viêm gan tự miễn có thể phát triển sau khi người bệnh bị nhiễm sởi, herpes simplex hoặc virus Epstein-Barr. Bệnh cũng liên quan đến nhiễm viêm gan A, B hoặc C.
  • Di truyền. Một số bằng chứng cho thấy viêm gan tự miễn có xu hướng di truyền theo gia đình.
  • Có bệnh tự miễn khác. Những người đã mắc bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh celiac, viêm khớp dạng thấp hoặc cường giáp đều có thể dễ bị viêm gan tự miễn.

Những triệu chứng của bệnh

Bệnh khởi phát âm thầm, chỉ với một chút cảm giác mệt mỏi, khó chịu kết hợp với vàng da không nhiều trong một thời gian dài vài tháng đến vài năm; chỉ có một số ít (khoảng 25%) có khởi phát với biểu hiện như một viêm gan virus cấp tính.

  • Khi khám bụng có thể thấy gan to chắc và thùy trái thường lớn hơn, tuy nhiên, đó là giai đoạn sớm, còn ở giai đoạn muộn, gan thường teo nhỏ và có các biểu hiện của tăng áp lực tĩnh mạch cửa như lách to, cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ.
  • Rối loạn kinh nguyệt là một triệu chứng thường gặp và rất có giá trị gợi ý, thường là mất một hoặc hai chu kỳ kinh nguyệt và điều này xảy ra đồng thời với một đợt vàng da nặng.
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da là các biểu hiện cũng hay gặp.
  • Da thay đổi, có tình trạng viêm mao mạch dị ứng, có mụn trứng cá, hồng ban hoặc ban đỏ rải rác.
  • Lách to và thường kèm theo hạch to.
  • Rối loạn nội tiết với biểu hiện có nhiều mụn trứng cá, rậm lông và nứt da, ở nam giới còn có các biểu hiện như vú to, viêm tuyến giáp tự miễn, nhiễm độc giáp, đái tháo đường.
  • Viêm loét đại tràng có thể xảy ra đồng thời hoặc sau khi xuất hiện viêm gan tự miễn.

Biến chứng nguy hiểm của viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn không được điều trị có thể gây ra sẹo vĩnh viễn ở mô gan (xơ gan). Biến chứng của bệnh xơ gan bao gồm:

  • Giãn tĩnh mạch thực quản. Khi lưu thông qua tĩnh mạch cửa bị chặn, máu có thể chảy ngược vào các mạch máu khác – chủ yếu là ở dạ dày và thực quản. Các mạch máu có thành mỏng và vì chúng chứa nhiều máu hơn so với sức chưa nên các mạch máu có khả năng vỡ và chảy máu. Chảy máu ồ ạt ở thực quản hoặc dạ dày từ các mạch máu này là một cấp cứu đe dọa tính mạng đòi hỏi phải được cấp cứu ngay lập tức.
  • Bệnh xơ gan cổ trướng (giai đoạn cuối của bệnh xơ gan), lá gan không còn khả năng tự phục hồi và mất dần chức năng. Lúc này bệnh tình đã rất nghiêm trọng, diễn tiến khá phức tạp theo chiều hướng xấu. Khi đó, gan không thực hiện được chức năng giải độc, từ đó toàn bộ cơ thể sẽ bị nhiễm độc.
  • Suy gan. Điều này xảy ra khi các tế bào gan tổn thương trên diện rộng khiến gan của người bệnh không thể hoạt động đầy đủ. Lúc này người bệnh đã cần phải ghép gan.
  • Ung thư gan. Những người bị xơ gan có nguy cơ ung thư gan tăng cao.
Viêm gan tự miễn không được điều trị có thể gây ra sẹo vĩnh viễn

Chẩn đoán và điều trị bệnh

Chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán được viêm gan tự miễn có thể phức tạp và thường được hoàn thành sau khi người bệnh trải qua một số bước như bác sĩ khám về thể chất của người bệnh, hỏi về tiền sử bệnh tật và các triệu chứng hiện tại, xét nghiệm máu và sinh thiết gan.

Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán viêm gan tự miễn bao gồm:

  • Xét nghiệm mẫu máu của người bệnh để tìm kháng thể có thể phân biệt viêm gan tự miễn với viêm gan virus và các bệnh khác có triệu chứng tương tự. Xét nghiệm tìm kháng thể cũng giúp xác định chính xác loại AIH mà người bệnh gặp phải.
  • Sinh thiết gan. Các bác sĩ thực hiện sinh thiết gan để xác nhận chẩn đoán, xác định mức độ bệnh và loại tổn thương gan. Trong quá trình sinh thiết gan, một lượng nhỏ mô gan được lấy đi bằng cách sử dụng một cây kim mỏng đưa vào gan thông qua một vết mổ nhỏ trên da. Mẫu bệnh phẩm này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Điều trị viêm gan tự miễn

Điều trị thường bắt đầu khi người bệnh có triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm của người bệnh đang trở nên xấu hơn.

Phương pháp điều trị chính của bệnh viêm gan tự miễn là sử dụng thuốc Prednisone hoặc các loại thuốc corticosteroid để ngăn hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Có thể điều trị bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch khác như Azathioprine (azasan, Imuran) và 6-mercaptopurine nếu bệnh nhân không thể điều trị bằng các loại thuốc trên hoặc xuất hiện những tác dụng phụ nguy hiểm.

Một số loại thuốc có thể được lựa chọn, tuy nhiên, bệnh nhân cũng sẽ phải đối mặt với một số tác dụng phụ của thuốc chẳng hạn như tăng nguy cơ loãng xương, gây tăng cân, giảm số lượng bạch cầu,…

Sau khoảng 3 năm điều trị, tình trạng viêm gan tự miễn của người bệnh có thể được kiểm soát, nhưng bệnh nhân lưu ý, chỉ được dừng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp, bệnh có biểu hiện tái phát thì cần phải điều trị lại.

Người bệnh cũng cần thay đổi lối sống để có thể khỏe mạnh hơn. Ăn thực phẩm lành mạnh và ăn nhiều trái cây và rau quả, tránh xa rượu bia. Không dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào mà chưa được phép của bác sĩ trực tiếp điều trị. Tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/lần là một trong những cách để phát hiện bệnh sớm, ngay khi chưa có biểu hiện.