Viêm gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương và viêm nhiễm trong mô gan. Bệnh gây tổn thương và viêm nhiễm trong mô gan. Nếu được điều trị kịp thời, phù hợp, bệnh nhân bị viêm gan sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Viêm gan là bệnh gì?

Bệnh viêm gan là tình trạng các tế bào bị tổn thương và viêm. Bệnh thường có diễn biến thầm lặng và có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hay thậm chí là ung thư gan.

Một số bệnh nhiễm trùng khác hay một số chất độc hại, chẳng hạn như rượu, thuốc và các bệnh tự miễn cũng có thể gây viêm gan. Hầu hết những người mắc bệnh viêm gan chỉ phát hiện được bệnh khi đã ở giai đoạn nặng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan

Những nguyên nhân gây viêm gan bao gồm:

  • Viêm gan do nhiễm virus: Có khá nhiều loại virus gây viêm gan, phổ biến là viêm gan A, B, C, D, E, G. Bên cạnh đó còn có một số loại virus khác như MV, EBV, virus herpes…
  • Viêm gan do nhiễm ký sinh trùng: Plasmodium falciparum – ký sinh trùng sốt rét và một số loại amip là những kí sinh trùng có khả năng gây viêm gan. Gan bị sưng to và các chức năng của gan như lọc chất độc, dự trữ chuyển hóa của gan bị trì trệ nếu bị nhiễm bệnh.
  • Viêm gan tự miễn: Là do hệ miễn dịch tấn công vào tế bào gan. Bệnh này ít gặp và chưa xác định được nguyên nhân gây ra viêm gan tự miễn. Trong một số trường hợp bệnh có thể do các chát độc tích tụ trong cơ thể hoặc do tác dụng phụ của các loại thuốc gây ra, nó có thể làm tổn thương gan dẫn đến các chức năng của gan bị suy giảm.
  • Viêm gan do nhiễm độc: Rượu bia là thức uống có hại gây độc cho gan. Việc lạm dụng bia trong thời gian dài khiến gan bị viêm, bị nhiễm mỡ, tế bào gan bị hoại tử hoặc xơ gan. Những tổn thương do nhiễm độc từ rượu bia và thuốc thường là cấp tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mãn tính.

Những triệu chứng của bệnh

Viêm gan thường không có biểu hiện rõ ràng. Bệnh diễn ra âm thầm, nhiều người đã nhiễm virus gây viêm gan nhưng bề ngoài vẫn khỏe mạnh, ngay cả khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Một số triệu chứng của bệnh viêm gan bao gồm:

  • Vàng mắt, vàng da là dấu hiệu rõ ràng nhất khi gặp phải các vấn đề về gan.
  • Bụng căng chướng do tích tụ dịch trong bụng.
  • Suốt vừa hoặc sốt nhẹ.
  • Đau vùng hạ sườn phải.
  • Nước tiểu sẫm màu (màu nâu, cam đậm hoặc hổ phách).
  • Mẩn ngứa.
  • Mệt mỏi kéo dài.
  • Xuất hiện dấu sao mạch trên da.

Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ xảy ra khoảng 25% trường hợp và thường xuất hiện ở giai đoạn muộn. Ở giai đoạn đầu, viêm gan thường có những triệu chứng không đặc trưng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như mệt mỏi, suy nhược, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.

Sự nguy hiểm của bệnh viêm gan

Bệnh sẽ không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị dứt điểm ở giai đoạn đầu. Nhưng khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn sẽ trở nên nguy hiểm bởi sức khỏe của người bệnh sẽ giảm sút nghiêm trọng, khó điều trị hơn, thời gian điều trị lâu hơn, tốn nhiều chi phí hơn, có thể đe dọa tính mạng người bệnh do dẫn đến những biến chứng như:

  • Xơ gan là giai đoạn sau của viêm gan mạn tính, là hậu quả của việc bị các tác nhân gây hại cho gan tấn công trong thời gian dài dẫn đến tế bào gan bị hư hại, chết dần và tạo ra các mô sẹo, không phục hồi được làm gan chai cứng, làm giảm lưu lượng máu qua gan và không thực hiện được chức năng bình thường của gan.
  • Ung thư gan là bệnh lý khi tế bào gan trở nên bất thường từ viêm gan, ảnh hưởng đến chức năng gan, có thể lan rộng sang các vùng khác của gan và các cơ quan khác. Ung thư gan có 3 dạng chính: Ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư biểu mô đường mật, và u nguyên bào gan.

Bệnh viêm gan có lây không?

Viêm gan tự miễn, viêm gan do nhiễm độc, sử dụng rượu, thuốc lá không có khả năng lây truyền. Tuy nhiên, nếu mắc viêm gan do virus thì khả năng lây bệnh rất cao. Cụ thể, các đối tượng có nguy cơ mắc viêm gan virus gồm:

  • Người hay ăn uống thức ăn lề đường, hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Sử dụng chung kim tiêm, xăm hình, xỏ lỗ tai ở các địa chỉ không uy tín.
  • Nhiễm HIV.
  • Quan hệ tình dục không an toàn.
  • Sử dụng các loại thuốc gây hại cho gan.
  • Dùng chung đồ dùng cá nhân với người người bệnh.
  • Ăn uống không hợp vệ sinh, sử dụng thực phẩm là nước uống bị nhiễm bẩn.
  • Truyền máu.
  • Truyền từ mẹ sang con.
  • Hóa trị hoặc điều trị ức chế hệ thống miễn dịch.
Vàng mắt, vàng da là những dấu hiệu của bệnh viêm gan

Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan

Chẩn đoán bệnh

  • Khám lâm sàng. Đánh giá các yếu tố nguy cơ bệnh gan.
  • Siêu âm bụng và phát hiện sớm các bất thường vùng bụng.                                
  • Xét nghiệm công thức máu, Đường huyết đói.
  • Tầm soát viêm gan siêu vi C (ANTI-HCV), viêm gan siêu vi B (HBSAG, ANTI-HBC, ANTI-HBS).
  • Xét nghiệm Bilan Lipid (mỡ máu): Cholesterol toàn phần, LDL, HDL, Triglyceride.
  • Kiểm tra chức năng gan (AST, ALT, Bilirubin toàn phần và trực tiếp).
  • Xét nghiệm dấu ấn ung thư gan: AFP.
  • Tư vấn chích ngừa nếu chưa nhiễm viêm gan siêu vi B và chưa có kháng thể.

Điều trị viêm gan

Viêm gan ở giai đoạn sớm, cấp tính sẽ được điều trị khỏi nếu người bệnh tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Các loại thuốc điều trị viêm gan có chức năng cân bằng men gan, giảm đau và tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

  • Interferon: Peginterferon alfa-2a, Peginterferon alfa-2b, Interferon alfa-2b….  Cung cấp miễn dịch cho cơ thể chống lại virus.
  • Chất ức chế Protease kháng virus: Telaprevir, Boceprevir, Paritaprevir… ngăn chặn sự lây lan bệnh viêm gan và sinh sản của virus.
  • Nucleoside analogue kháng virus: Copegus, Moderiba, Rebetol, Ribasphere, Virazole… có tác dụng  kháng virus khá tốt.

Trong trường hợp bệnh ở giai đoạn cuối, kháng thuốc, thì biện pháp tối ưu được cân nhắc tới là ghép gan. Tuy nhiên biện pháp này quá tốn kém về chi phí và cũng là thách thức rất lớn với sự thành công.

Tùy từng loại viêm gan mà có phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh cần kết hợp việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt thích hợp và dùng thuốc điều trị:

  • Chế độ ăn giàu đạm, đường, vitamin; giảm mỡ động vật đặc biệt là các món xào, rán. Tăng cường ăn hoa quả tươi, sữa chua.
  • Kiêng rượu, bia và hạn chế sử dụng các thuốc, hóa chất gây độc cho gan.
  • Sử dụng các thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn như thuốc có tác dụng giải độc, bảo vệ tế bào gan, thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận mật (sử dụng khi có vàng da), thuốc làm tăng sức đề kháng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể, thuốc ức chế virus…

Phòng ngừa bệnh viêm gan

  • Chủ động tiêm đầy đủ vắc xin viêm gan Aviêm gan B theo lịch chủng ngừa.
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, lựa chọn các thực phẩm an toàn, hạn chế rượu bia…
  • Cung cấp đầy đủ và cân đối các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
  • Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc, nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Kiểm tra sức khỏe nếu như có triệu chứng viêm gan.
  • Trước khi truyền máu cần phải xác định được nguồn máu truyền có chứa mầm bệnh không.
  • Luôn kiểm soát cân nặng ở mức độ bình thường, tránh thừa cân, béo phì.
  • Khi quan hệ tình dục cần phải sử dụng những biện pháp an toàn (quan hệ tình dục lành mạnh)
  • Không dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ phẫu thuật.

Viêm gan gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không sớm điều trị. Vì vậy, nên tầm soát bệnh theo chỉ định của bác sĩ, tiêm ngừa vacxin viêm gan B và thực hiện lối sống lành mạnh. Đặc biệt, nên kiểm tra sức khỏe nếu xuất hiện các triệu chứng viêm gan hoặc nghi ngờ bản thân mắc bệnh.