Viêm gan D là bệnh gan do virus HDV gây ra. Viêm gan D thường xảy ra theo kiểu đồng nhiễm, có nghĩa là bạn thường sẽ nhiễm viêm gan siêu vi B cùng lúc với viêm gan siêu vi D. Virus này là một trong nhiều loại virus gây viêm gan và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của gan.
Viêm gan D là bệnh gì?
Bệnh nhân mắc phải viêm gan D do nhiễm virus viêm gan D (Hepatitis D virus: HDV). Theo nghiên cứu, HDV sở hữu bộ gen là ARN, cấu trúc này vốn không hề liên quan đến virus viêm gan A,B,C.
Đây là một loại vi khuẩn có cấu trúc khá đơn giản, gần giống như virus thực vật, vì thể chúng được coi là virus không trọn vẹn. Khi sinh trưởng đơn độc chúng không có khả năng gây bệnh.
Nhiễm khuẩn HDV chỉ có thể xảy ra nếu một cá nhân bị viêm gan B mạn (HBV) rồi sau đó lại nhiễm HDV (bội nhiễm) hay ở cùng một bệnh nhân bị nhiễm đồng thời với cả HBV và HDV (đồng nhiễm khuẩn). Có nghĩa là khi có sự hiện diện của HBV trong máu thì HDV có khả năng hợp tác với HBV gây hủy hoại tế bào gan một cách nặng nề hơn rất nhiều.
Hiện nay người ta đã phân lập được 3 kiểu gen khác nhau của virus viêm gan D. Theo một số tài liệu thì virus D1 được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, virus D2 được tìm thấy ở Đài Loan, virus D3 được tìm thấy nhiều ở các nước châu Mỹ Latinh; trong đó loại virus D3 được cho là nguy hiểm nhất.
Diễn biến lâm sàng của người bệnh bị nhiễm HDV tương đối đa dạng và có thể thay đổi nhanh từ nhiễm HDV cấp, đến tự giới hạn cấp và cấp, hay cuối cùng là suy gan tối cấp. Bệnh nhân nếu được chẩn đoán nhiễm HDV mạn có thể nhanh chóng dẫn đến bệnh lý gan giai đoạn cuối và gặp phải những biến chứng liên quan.
Nguyên nhân gây bệnh viêm gan D
- HDV có thể lây nhiễm từ người qua người bằng đường máu, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với những chất dịch từ cơ thể đang bị nhiễm bệnh như nước tiểu, máu, tinh dịch, dịch âm đạo.
- Do bệnh nhân được truyền máu từ người mắc bệnh viêm gan D.
- Tiến hành tiêm chích ma túy và có sử dụng chung các bơm kim tiêm.
- Quan hệ tình dục là đồng giới nam.
Người bệnh sẽ chỉ bị nhiễm HDV khi đã bị nhiễm sẵn viêm gan B. Điều này cho thấy, bạn hoàn toàn có thể bị nhiễm viêm gan siêu vi B và D cùng một lúc. Theo thống kê, có khoảng 5% người bệnh mắc phải viêm gan B sau đó sẽ bị nhiễm HDV.
Con đường lây bệnh của viêm gan D
Viêm gan D chỉ lây lan khi người nhiễm chưa có kháng thể virus viêm gan B. Do vậy, những người chưa tiêm phòng vắc xin viêm gan B hoặc nói cách khác là những người chưa có khả năng miễn nhiễm với virus viêm gan B rất dễ là đối tượng để HDV tấn công.
Con đường lây lan của viêm gan D giống với viêm gan B. Nó sẽ lây truyền qua 3 con đường: đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
Đường máu: Những người bị viêm gan B hoặc viêm gan B và D dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu hoặc dùng chung đồ dùng, dụng cụ dính máu sẽ làm lây nhiễm virus sang người khỏe mạnh.
Đường tình dục: HDV lây qua dịch âm đạo, tinh dịch. Sinh hoạt tình dục không an toàn, không dùng các biện pháp bảo vệ như bao cao su sẽ là nguồn lây nhiễm virus viêm gan D cho cộng đồng.
Từ mẹ sang con: Những bà mẹ trong thời gian mang thai bị nhiễm viêm gan B hoặc viêm gan B và D sẽ rất dễ lây truyền virus viêm gan D sang cho thai nhi.
Triệu chứng của bệnh
Bệnh nhân mắc phải HDV thường không xuất hiện triệu chứng cụ thể, và không thể phân biệt được các triệu chứng lâm sàng của bệnh HDV với những bệnh viêm gan do virus khác gân nên. Thời kỳ diễn ra ủ bệnh của bệnh HDV được xác định từ 21 – 45 ngày, tuy nhiên thời gian có thể được rút ngắn lại nếu xảy ra bội nhiễm từ HBV.
Dưới đây là những dấu hiệu, triệu chứng cơ bản có thể xảy ra trong thời gian ủ bệnh của viêm gan D:
- Nước tiểu sẫm màu
- Đau bụng thường xuyên
- Vàng da
- Cảm giác buồn nôn hoặc nôn
- Cơ thể bầm tím hoặc bị chảy máu (nhưng rất hiếm gặp)
- Có cảm giác ngứa ngáy.
Nếu bệnh nhân bắt đầu bị bùng phát bệnh HDV thường sẽ gặp phải những dấu hiệu và triệu chứng nổi bật như:
- Cơ thể sốt cao
- Vàng da
- Bị đau bụng, thường đau tại vị trí góc phải của thượng vị
- Nước tiểu có màu sẫm
- Gặp phải bệnh lý về não (rất hiếm gặp).
Những người bị nhiễm viêm gan D và bệnh viêm gan B có nguy cơ cao mắc phải bệnh gan mãn tính (như ung thư gan) và xơ gan (sẹo gan).
Chẩn đoán bệnh viêm gan D
Các bác sĩ cần làm xét nghiệm máu để phát hiện virus viêm gan D và đưa chẩn đoán. Một số xét nghiệm huyết thanh sau đây thường được sử dụng để chẩn đoán chính xác đồng nhiễm HBV và HDV:
- Kết quả xét nghiệm xác nhận dương tính với các kháng nguyên HDVAg khoảng 20%.
- Các kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với HDV- RNA sẽ cho thấy đa số trường hợp đã bị nhiễm HDV: trong đó phản ứng chuỗi polymerase cho phép sao chép ngược RT-PCR hiện nay là một loại xét nghiệm được đánh giá nhạy nhất giúp phát hiện ra HDV trong máu.
- Kháng thể Anti- HDV immunoglobulin M (IgM) thường sẽ cho kết quả dương tính trong giai đoạn cấp và sau đó bệnh nhân cho kết quả dương tính với chỉ số anti-HDV immunoglobulin G (IgG) trong giai đoạn đang nhiễm HDV mạn, sự phát hiện của những kháng thể chống lại kháng nguyên A của HDV gần như chỉ liên quan đến các trường hợp nhiễm HDV mạn.
- Kháng nguyên bề mặt thuộc virus viêm gan B (HBsAg) thật sự cần thiết để kiểm tra sự nhân lên của HDV trong cơ thể người bệnh. Nhưng trong nhiều trường hợp chúng cũng có thể bị kìm hãm tới mức độ chúng ta không thể phát hiện sự nhân bản của HDV hoạt động.
Điều trị viêm gan D
Bệnh nhân bị nhiễm HDV có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc. Trong đó, Pegylated interferon alpha mang đến hiệu quả để giảm tải số lượng virus và những tác động của bệnh lý này đến chức năng của gan trong khoảng thời gian thuốc đang được sử dụng, tuy nhiên tác dụng này sẽ dừng lại nếu thuốc không được sử dụng. Thống kê cho thấy, hiệu quả của điều trị bằng Pegylated interferon thường không thể vượt quá 20%.
Myrcludex B, một loại thuốc cho thấy tác dụng ức chế được sự xâm nhập của virus vào các tế bào gan, nhưng hiện nay vẫn đang trong quá trình được thử nghiệm lâm sàng.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Cách duy nhất được biết đến để ngăn ngừa viêm gan D là để tránh lây nhiễm viêm gan B. Bạn có thể dùng các biện pháp phòng ngừa sau đây để giảm nguy cơ viêm gan B:
- Chích ngừa. Chích ngừa vắc-xin viêm gan B cho tất cả trẻ em. Người lớn có nguy cơ cao nhiễm bệnh viêm gan D cũng nên được tiêm chủng, chẳng hạn như những người sử dụng ma túy có dùng bơm kim tiêm chung. Quá trình tiêm chủng gồm 3 mũi trong vòng sáu tháng. Nếu bạn có bệnh cần phải sử dụng các loại thuốc truyền tĩnh mạch thường xuyên, hãy bảo đảm vô trùng các đầu kim và thay kim mới mỗi lần tiêm chích. Không bao giờ dùng chung kim tiêm với người khác.
- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su với tất cả các bạn tình của bạn. Bạn không bao giờ nên quan hệ tình dục mà không được bảo vệ trừ khi bạn chắc chắn đối tác của bạn không bị nhiễm viêm gan hay các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác.
- Nên cẩn thận với xăm hình và xỏ khuyên, chỉ nên lựa chọn những cửa hàng đáng tin cậy, yêu cầu nhân viên phải làm sạch và vô trùng dụng cụ trước khi sử dụng.
Viêm gan D là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, dẫn đến tình trạng viêm gan. Hiện nay, hầu hết những trường hợp bị nhiễm HDV là người lớn sẽ có thể hồi phục hoàn toàn bằng cách sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi triệu chứng hoặc dấu hiệu của họ nặng. Do đó, nếu bạn nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu, triệu chứng như chúng tôi đã liệt kê, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành thăm khám, tìm ra nguyên nhân và được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Leave a reply