Viêm gan C là một bệnh gan do vi rút viêm gan C gây ra. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể dao động từ một bệnh nhẹ kéo dài một vài tuần, đến tình trạng nghiêm trọng hơn như dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Điều trị viêm gan C có thể thành công nếu áp dụng đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Viêm gan C có chữa khỏi được không?

Viêm gan C mạn tính là bệnh có thể chữa khỏi. Hiện nay có nhiều loại thuốc dùng cho điều trị viêm gan C mạn tính, trong đó có nhiều loại thuốc mới ra đời, hiệu quả ngày càng cao và ít tác dụng phụ hơn. Do đó, có một số trường hợp không nhất thiết phải sử dụng thuốc chích như trước kia.

Bệnh nhân điều trị bằng phác đồ mới có ưu điểm ít tác dụng phụ hơn, chi phí giảm rất nhiều so với trước đây. Thời gian điều trị được rút ngắn chỉ còn khoảng 3-6 tháng (so với thời gian điều trị bằng thuốc chích là 6 – 12 tháng, thậm chí 18 tháng). Tỉ lệ thành công của các phác đồ điều trị có thể đạt tới 90%.

Viêm gan C có lây không?

Viêm gan C là một bệnh có khả năng lây truyền cao. Virus viêm gan C chủ yếu lây truyền qua đường máu với các hình thức sau:

  • Dùng chung dụng cụ sử dụng ma túy: Bất cứ thứ gì liên quan đến việc tiêm chích ma túy, từ ống tiêm, kim tiêm cho đến garô (dây thắt) đều có thể dính máu và làm lây truyền bệnh viêm gan C. Các loại ống dùng để hút hoặc hít ma túy cũng có thể dính máu do nứt môi hoặc chảy máu cam.
  • Dùng chung dụng cụ xăm hoặc xỏ khuyên: Các thiết bị xăm, xỏ khuyên và mực xăm có thể làm lây lan virus.
  • Tái sử dụng hoặc sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách, đặc biệt là các loại bơm kim tiêm
  • Truyền máu không qua sàng lọc virus HCV
  • Dùng chung các đồ dùng có khả năng dính máu của người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, đồ cắt móng tay…
  • Virus HCV cũng có thể lây truyền qua đường tình dục và có thể truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, các phương thức lây truyền này ít phổ biến hơn.

Bệnh viêm gan C không lây qua ho, hắt hơi, ôm, hôn, cho con bú, thức ăn và nước uống, côn trùng đốt, … Nghĩa là tiếp xúc qua các hoạt động sinh hoạt thông thường không làm tăng nguy cơ bị bệnh. Do đó, tỷ lệ lan truyền bệnh giữa người trong gia đình gần như bằng không.

Chẩn đoán bệnh viêm gan C

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm gan C thông qua xét nghiệm máu. Đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm nhằm kiểm tra sự hiện diện của kháng thể chống HCV. Kháng thể chống HCV là những chất cơ thể tạo ra để chống lại virus viêm gan C, thường xuất hiện khoảng 12 tuần sau khi bị nhiễm virus.

Nếu kết quả xét nghiệm kháng thể chống HCV dương tính, người bệnh có khả năng cao là đã bị nhiễm virus. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tiếp tục thực hiện một số xét nghiệm khác để xác định chẩn đoán, bao gồm:

  • Xét nghiệm HCV – RNA (đo tải lượng HCV): Đo số lượng ARN virus hiện có trong máu người bệnh
  • Xét nghiệm xác định kiểu gen: Nhằm tìm ra loại virus viêm gan C nào đang gây bệnh, vì hiện tại có đến 6 kiểu gen chính của HCV. Thông tin này sẽ giúp xác định phương pháp điều trị sẽ hiệu quả nhất cho người bệnh.

Nếu các xét nghiệm cho thấy người bệnh bị viêm gan C mãn tính hoặc có dấu hiệu tổn thương gan, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm kiểm tra hoạt động của gan, như xét nghiệm chức năng gan, hình ảnh ảnh gan qua siêu âm bụng, độ xơ chai gan qua siêu âm đàn hồi hoặc chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ gan phát hiện u gan, xét nghiệm máu tầm soát sớm ung thư tế bào gan (HCC Risk)…

Điều trị viêm gan C bằng thuốc

Hiện đã có một số loại thuốc được Bộ Y tế cho phép lưu hành có hoạt chất Sofosbuvir, thuốc phối hợp 2 hoạt chất gồm Sofosbuvir + Ledipasvir, hoặc thuốc có hoạt chất Daclatasvir.

Việc sử dụng hợp lý những thuốc trên sẽ đem lại cơ hội điều trị khỏi bệnh viêm gan virus C cho rất nhiều bệnh nhân, kể cả những trường hợp bệnh nhân đã bị xơ gan nặng.

Giai đoạn cấp tính

Mục tiêu điều trị là làm giảm và ngăn chặn nguy cơ bệnh phát triển thành mãn tính. Trên thực tế, người bệnh có khả năng tự hồi phục nếu cơ thể sản sinh đủ lượng kháng thể chống lại virus, nhưng những trường hợp này không nhiều. Quan trọng là người bệnh cần phải tăng cường khả năng miễn dịch để có thể đẩy lùi virus viêm gan C hiệu quả hơn. Viêm gan C cấp tính có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc dùng để điều trị viêm gan C mãn tính. Mục tiêu điều trị là loại bỏ virus trong bệnh nhân.

Điều trị viêm gan C giai đoạn mãn tính

Vẫn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện và can thiệp sớm, trước khi có biến chứng. Ở giai đoạn này, các bác sĩ thường sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus để loại bỏ virus ra khỏi cơ thể và nhóm thuốc miễn dịch. Với sự phát triển của y học như hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra nhiều loại thuốc có tác dụng điều trị bệnh viêm gan C hiệu quả.

Thuốc điều trị viêm gan C mạn tính bao gồm:

  • Thuốc tiêm Interferon alpha (Pegasys)
  • Thuốc uống Ribavirin (Rebetol, Copegus)
  • Thuốc uống Boceprevir (Victrelis)
  • Thuốc uống Simeprevir (Olysio)
  • Thuốc uống Sofosbuvir (Sovaldi)
  • Thuốc uống Daclatasvir (Daklinza)
  • Thuốc uống Ledipasvir, Sofosbuvir (Harvoni)
  • Thuốc uống Ombitasvir, Paritaprevir, Ritonavir (Technivie)
  • Thuốc uống Ombitasvir, Paritaprevir, Ritonavir , Dasabuvir (Viekira Pak).

Danh sách các loại thuốc điều trị viêm gan C mãn tính có thể thay đổi mỗi năm vì các nghiên cứu về thuốc điều trị viêm gan C không ngừng tiến bộ. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc trong số đó mới, an toàn hơn và hiệu quả hơn nhưng hiện vẫn có ít người sử dụng. Thêm vào đó, một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sự kết hợp của các loại thuốc kháng virus nhất định đã điều trị khỏi hẳn (loại bỏ virus hoàn toàn) ở nhiều bệnh nhân viêm gan C.

Làm sao để tránh lây nhiễm viêm gan C cho người khác?

Người bệnh viêm gan C cần thực hiện các biện pháp sau để tránh lây bệnh cho người khác:

  • Để riêng biệt các dụng cụ cá nhân có khả năng gây tổn thương, chảy máu như dao cạo, kéo, cắt móng tay, bàn chải đánh răng để tránh dính sang người khác hoặc nhầm lẫn khi sử dụng.
  • Luôn dự trữ sẵn găng tay y tế, đề phòng trường hợp bị thương hoặc cần người chăm sóc sức khỏe.
  • Nếu có vết thương hở, người bệnh cần băng bó cẩn thận, tránh làm dính ra các vật dụng khác hoặc khi tiếp xúc với người khác.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc quan hệ tình dục khi đang mắc bệnh, có đời sống tình dục lành mạnh.
  • Phụ nữ mắc viêm gan C cần điều trị triệt để bệnh để tránh lây nhiễm cho con.

Viêm gan C là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh về gan mãn tính. Bệnh nguy hiểm, nhưng bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị thích hợp. Do đó, người bệnh khi có các biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ mình bị lây nhiễm HCV nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và làm xét nghiệm chẩn đoán kịp thời.